Di chúc vô hiệu một phần, chia di sản thừa kế thế nào?
Câu hỏi:
Chào luật sư, em có vấn đề cần luật sư tư vấn như sau: Di chúc bị vô hiệu một phần mà phần này chỉ liên quan đến di sản được hưởng của một người thừa kế thì người thừa kế không được hưởng di sản do phần di chúc vô hiệu một phần đó có được chia thừa kế theo pháp luật không?
Trả lời:
Chào bạn, đối với câu hỏi của bạn, Luật sư xin được tư vấn như sau:
Căn cứ theo khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015 thì di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong các trường hợp:
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc.
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Nếu có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc hay một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực.
Ngoài ra, di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Mặt khác nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Bên cạnh đó, khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.
Di chúc được coi là vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ khi không đáp ứng được các điều kiện để di chúc hợp pháp hoặc thuộc các trường hợp không có hiệu lực của di chúc. Như vậy, di chúc vô hiệu được hiểu là di chúc không có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực, còn hiểu là di chúc vô hiệu một phần.
Như vậy, trong trường hợp của bạn nếu một phần di sản thừa kế của bạn không còn tồn tại sau khi người lập di chúc chết, thì phần di chúc liên quan đến khối di sản không còn tồn tại đó bị vô hiệu. Tuy nhiên, các phần khác của di chúc sẽ không bị vô hiệu nếu không bị ảnh hưởng bởi phần không hợp pháp.
Người thừa kế là bạn được chỉ định hưởng khối di sản không còn tồn tại đó sẽ không được nhận di sản, nhưng các nội dung khác về việc phân chia di sản còn lại cho các đồng thừa kế khác vẫn có hiệu lực nên họ vẫn được nhận di sản theo đúng nội dung di chúc.
Tuy nhiên, người được chỉ định thừa kế đối với phần di sản không còn tồn tại có thể xem xét yêu cầu chia một phần di sản theo quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 Bộ luật dân sự, cụ thể:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Người thuộc một trong hai trường hợp trên được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất thừa kế của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất thừa kế đó.
Quy định này không áp dụng với người từ chối nhận di sản theo Điều 620 Bộ luật dân sự hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015.
Như vậy nếu bạn không thuộc một trong hai trường hợp hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào di chúc và phần di chúc liên quan đến tài sản của bạn bị vô hiệu thì bạn không được chia thừa kế theo pháp luật trừ trường hợp bạn và các đồng thừa kế còn lại có thỏa thuận khác.
Trên đây là ý kiến tư vấn có tham khảo quy định của pháp luật, V&HM Law Firm xin gửi tới bạn đọc. Nếu có gì thắc mắc vui lòng liên hệ V&HM Law Firm để được giải đáp.
V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương