Hotline

0985 158 595

Email Liên hệ

vanhoangminhlaw@gmail.com

Hiệu lực của thoả thuận về việc ấn định trước mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

Hiệu lực của thoả thuận về việc ấn định trước mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng

 

Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp các bên ký kết hợp đồng mà trong đó các bên ấn định về số tiền phải bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng. Tại điều khoản về bồi thường thiệt hại các bên thỏa thuận rằng nếu một bên vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng thì bên vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên còn lại một khoản tiền hay một mức bồi thường được ước tính. Mục đích của các bên khi ấn định trước khoản tiền bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là muốn tránh các thủ tục tranh chấp kéo dài và có cơ chế xác định mức thiệt hại. Ta thường gặp điều khoản này ở các hợp đồng như hợp đồng mua bán cổ phần, hợp đồng vay và hợp đồng xây dựng.

Theo Khoản 2 điều 302 Luật Thương mại 2005 quy định “giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”. Theo quy định này, mức bồi thường thiệt hại chỉ có thể là mức thiệt hại thực tế, trực tiếp và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng. Như vậy theo quy định của Luật thương mại năm 2005 thì các bên không được thỏa thuận ấn định bồi thường thiệt hại không tương ứng với các khoản tiền này.

Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 công nhận thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần và thiệt hại về vật chất là:

- Tổn thất về tài sản;

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Mặt khác, Điều 360 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ có nội dung “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Ở đây luật quy định “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” không có nghĩa rằng các bên có thể thỏa thuận, ấn định trước mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mà “thỏa thuận khác” tại điều luật này nghĩa là khi đã có thiệt hại do một bên vi phạm nghĩa vụ thì các bên có quyền thỏa thuận mức bồi thường cao hơn hay thấp hơn so với thiệt hại thực tế tùy thuộc vào ý chí của các bên.

Như vậy, xét về mặt thực tiễn, bồi thường thiệt hại ấn định trước chưa được thừa nhận chính thức bởi pháp luật Việt Nam. Điều khoản mà các bên ấn định trước mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng thông thường sẽ không được Tòa án công nhận hoặc có một số trường hợp thỏa thuận này được coi là thỏa thuận phạt vi phạm.

Ví dụ cụ thể: Quyết định giám đốc thẩm số 15/2016/KDTM-GĐT ngày 7/9/2016 của TANDTC về tranh chấp giữa Công ty Cổ phần dịch vụ và kỹ thuật A với Công ty B tóm tắt như sau:

- Theo hợp đồng ký năm 2007, Công ty Cổ phần dịch vụ và kỹ thuật A (sau đây gọi tắt là Công ty A) cung cấp gói thầu 3B “Dịch vụ cơ điện” cho dự án do Công ty H làm chủ đầu tư và Công ty B là nhà thầu chính. Giá trị hợp đồng khoảng 5,1 triệu USD; thời gian thi công kết thúc tháng 5 năm 2008. Nếu không tuân thủ thời gian hoàn thành, Công ty A phải chi trả cho chủ đầu tư đối với những thiệt hại do lỗi này gây ra, giá trị thiệt hại là 5% giá trị hợp đồng.

- Công ty A đã hoàn thành công việc chậm 288 ngày so với tiến độ đề ra; Công ty B chậm thanh toán theo hợp đồng.

- Bên cạnh các yêu cầu khác, Công ty A yêu cầu Công ty B thanh toán khoản tiền còn lại. Công ty B cho rằng Công ty A đã vi phạm tiến độ nên bị phạt 5% giá trị hợp đồng, số tiền này sẽ được bù trừ đối với nghĩa vụ thanh toán của Công ty B.

- Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A, không buộc Công ty B thanh toán số tiền còn nợ. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm. Công ty A có đơn đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục giám đốc thẩm.

- Theo Quyết định giám đốc thẩm, điều khoản bồi thường thiệt hại ước tính do vi phạm tiến độ là một điều khoản phạt vi phạm theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, tiền phạt vi phạm phải dựa trên giá trị hợp đồng bị vi phạm, không thể xác định trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Theo Điều 301 Luật TM năm 2005 về phạt vi phạm, mức phạt vi phạm không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Như vậy, tiền phạt vi phạm sẽ là 5% giá trị hợp đồng bị vi phạm chứ không phải 5% toàn bộ giá trị của hợp đồng theo thỏa thuận của các bên.

Tuy nhiên, việc coi điều khoản trên là điều khoản phạt vi phạm cũng rất khó khăn bởi theo quy định tại Điều 300 Luật thương mại 2005 “Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.”. Với quy định này thì chế tài phạt vi phạm chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận trong hợp đồng rằng sẽ áp dụng chế tài này khi có bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Mà việc ấn định trước mức bồi thường thiệt hại là điều khoản về bồi thường thiệt hại cũng như không có bất kỳ từ ngữ nào thể hiện nó là phạt vi phạm cả.

Vì vậy, pháp luật Việt Nam cần quy định rõ hơn về việc thỏa thuận ấn định mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng để giúp giảm thiểu chi phí thương lượng hay chi phí tố tụng hay thời gian của các bên trong hợp đồng và tránh các trường hợp một bên lợi dụng điều khoản này để chèn ép bên còn lại và thu lợi từ điều khoản này khi thỏa thuận một mức bồi thường thiệt hại quá lớn.

Trên đây là bài viết về hiệu lực của thỏa thuận về việc ấn định trước mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng do V&HM Law Firm tổng hợp. Hy vọng những thông tin trên giúp ích được cho bạn.

V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

 

 

Bài viết liên quan

Cưỡng đoạt tài sản theo quy định của pháp luật

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.

Bồi thường thiệt hại trong thương mại

Bồi thường thiệt hại là chế tài rất hay được áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng. Căn cứ phát sinh, cách xác định mức bồi thường, giá trị bồi thường, … cũng như các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thương mại sẽ được V&HM Law Firm gửi tới bạn đọc trong bài viết sau.

Bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người là một trong những trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Như vậy, bồi thường thiệt hại về tinh thần là gì và được pháp luật quy định như thế nào sẽ được đề cập trong bài viết này.



Zalo
Hotline