Hotline

0985 158 595

Email Liên hệ

[email protected]

Một số vướng mắc khi áp dụng xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải

Một số vướng mắc khi áp dụng xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải

MỘT SỐ VƯỚNG MẮC KHI ÁP DỤNG  XỬ LÝ KỶ LUẬT BẰNG HÌNH THỨC SA THẢI

Sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất và dẫn đến hệ quả chấm dứt quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Do đó, pháp luật đã ban hành những quy định chặt chẽ hơn đối với người sử dụng lao động khi họ muốn áp dụng hình thức này. Cụ thể, theo quy định tại Điều 125 BLLĐ 2019 người sử dụng lao động chỉ có thể áp dụng hình thức kỷ luật sa thải trong các trường hợp sau:

1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;

2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

3. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 126 của Bộ luật này;

4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

Ngoài ra, để áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải cần phải theo nguyên tắc cụ thể và trình tự, thủ tục nhất định, đảm bảo việc người sử dụng lao động luôn tuân thủ quy định pháp luật. Do đó, Khoản 1 Điều 122 Bộ luật lao động 2019 đã quy định nguyên tắc khi xử lý kỷ luật lao động như sau:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc tổ chức đại diện người lao động bào chữa; trường hợp là người chưa đủ 15 tuổi thì phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản.

Thông thường sẽ xuất hiện một số vướng mắc như sau:

Thứ nhất, đối với trường hợp xử lý kỷ luật sa thải là người lao động có hành vi “Đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động” thì việc đánh giá hành vi như thế nào là hành vi đe doa gây thiệt hại nghiêm trọng sẽ rất là khó khăn vì không có bất kỳ văn bản hướng dẫn nào đề cập đến vấn đề này.

Thứ hai, doanh nghiệp vi phạm trình tự thủ tục khi sa thải người lao động. Trong quan hệ lao động, người lao động được cho là bên yếu thế, vì người sử dụng lao động nắm giữ các tư liệu sản xuất, quyền điều hành doanh nghiệp nên dễ dẫn đến lạm quyền khi xử lý kỷ luật lao động. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động và có căn cứ để xử lý kỷ luật sa thải nhưng chỉ vì người sử dụng lao động không thực hiện đúng trình tự, thủ tục dẫn đến những tranh chấp không đáng có. Hơn thế nữa, khi xử lý kỷ luật lao động trái pháp luật về mặt hình thức người sử dụng lao động còn phải bồi thường thiệt hại cho người lao động. Theo quy định tại Điều 73 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/2/2021) thì không cần phân biệt người sử dụng lao động xử lý kỷ luật lao động trái pháp luật về mặt nội dung hay hình thức, một trong những hậu quả của xử lý kỷ luật sa thải trái quy định pháp luật là phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết. Mặc dù quy định này nhằm để đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động khi họ bị xâm phạm quyền trong quan hệ lao động, nhưng xét ở khía cạnh của người sử dụng lao động, việc kỷ luật sa thải đối với người lao động là tuy đúng về nội dung, nhưng chỉ vì vi phạm trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật sa thải mà phải nhận người lao động trở lại làm việc thì khó có thể chấp nhận. Như vậy, cần phải có quy định tách biệt hậu quả của việc xử lý kỷ luật sa thải trái pháp luật về nội dung và về hình thức, không thể đồng nhất hậu quả của hai trường hợp trên bởi xét về bản chất và mức độ vi phạm của hành vi là khác nhau.

Thứ ba, đối với người lao động thực hiện đồng thời nhiều hành vi vi phạm kỷ luật theo quy định tại Điều 122 BLLĐ 2019 thì thì người sử dụng lao động chỉ được áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất. Quy định này làm giảm mức độ răn đe đối với các hình thức kỷ luật vì trong trường hợp có hai người vi phạm kỷ luật nhưng một người có nhiều hành vi vi phạm, người còn lại chỉ với một hành vi vi phạm nhưng mức xử lý kỷ luật lại giống nhau là không hợp lý.

Trên đây là bài viết về “Một số vướng mắc khi áp dụng xử lý kỷ luật bằng hình thức sa thải”. V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.

V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: [email protected]
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

Bài viết liên quan

Cưỡng đoạt tài sản theo quy định của pháp luật

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ

Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.

Bồi thường thiệt hại trong thương mại

Bồi thường thiệt hại là chế tài rất hay được áp dụng khi có hành vi vi phạm hợp đồng. Căn cứ phát sinh, cách xác định mức bồi thường, giá trị bồi thường, … cũng như các trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong thương mại sẽ được V&HM Law Firm gửi tới bạn đọc trong bài viết sau.

Bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người là một trong những trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Như vậy, bồi thường thiệt hại về tinh thần là gì và được pháp luật quy định như thế nào sẽ được đề cập trong bài viết này.



Zalo
Hotline