Quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động
Quan hệ pháp luật lao động là mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình lao động được xác lập, thực hiện, duy trì và chấm dứt trên cơ sở các quy định của pháp luật lao động.
Mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động thể hiện qua 3 đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, trong mối quan hệ pháp luật giữa người lao động và người sử dụng lao động, người lao động phải tự mình thực hiện công việc.
Tự mình thực hiện công việc tức là tự mình thực hiện các hành vi lao động cần thiết để hoàn thành công việc. Người lao động phải bằng chính hành vi của mình, bằng sức lực, thao tác kĩ năng của mình để thực hiện công việc mà không được sử dụng biện pháp thay thế nghĩa vụ đó bằng cách chuyển giao cho người khác, nhất là một người bất kì không phải là người có quan hệ lao động với người sử dụng lao động đó. Theo quy định của pháp luật, công việc theo hợp đồng lao động phải do người lao động đã giao kết hợp đồng thực hiện, điều đó khẳng định người lao động khi giao kết hợp đồng lao động thì phải tự mình thực hiện công việc đã cam kết trong hợp đồng lao động đó
Nghĩa vụ này của người lao động xuất phát từ những lý do như sau:
- Về mặt nội dung, bản chất của quan hệ pháp luật lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động là quan hệ mua bán sức lao động. Người lao động tham gia quan hệ lao động là với mục đích bán sức lao động của mình cho người sử dụng lao động. Sức lao động đó đặc biệt ở chỗ là loại hàng hóa gắn liền với bản thân người lao động, khi mang ra trao đổi tạo ra giá trị lớn hơn giá trị ban đầu và người lao động chuyển giao giá trị cho người sử dụng lao động thông qua quá trình lao động. Người lao động là sở hữu chủ và là người bán sức lao động của chính mình. Và với tư cách là người bán, họ có trách nhiệm phải cung ứng thứ “hàng hóa” đặc định đó cho người sử dụng lao động. Do vậy, sự thay thế người lao động đã giao kết hợp đồng lao động bằng một người khác là không thể chấp nhận được.
- Về mặt hình thức, người lao động đã cam kết với người sử dụng lao động về việc thực hiện công việc. Sự cam kết của người lao động là điều được xác định và thông thường không thể thay đổi, trừ trường hợp họ không thực hiện được hoặc quan hệ lao động đó bị chấm dứt.
- Một số quyền lợi và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật lao động không thể hoặc rất khó khăn trong quá trình chuyển giao.
- Về khía cạnh pháp lí, Bộ luật Lao động đã quy định về nghĩa vụ bắt buộc của người lao động. Do đó, thực hiện công việc theo hợp đồng lao động đã cam kết chính là tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động. Quan hệ pháp luật lao động chú trọng nhiều đến quá trình thực hiện công việc và đặc biệt là tính đích danh người lao động và không chuyển giao được.
Thứ hai, người sử dụng lao động có quyền quản lý đối với người lao động.
Người sử dụng lao động có quyền quản lí trong quá trình lao động. Người sử dụng lao động có quyền tuyển dụng; sắp xếp, phân công, giám sát, đánh giá chất lượng công việc củangười lao động; phân phối lợi nhuận, thu nhập; khen thưởng và cả xử lý kỉ luật khi người lao động có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, mọi hoạt động thuộc hành vi quản lí của người sử dụng lao động phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi quản lí lao động của mình.
Đặc điểm này xuất phát từ những lý do sau:
- Người sử dụng lao động là chủ sở hữu của tư liệu sản xuất, họ phải thực hiện quyền sở hữu chủ đối với tài sản.
- Tính tất yếu khách quan của quá trình lao động: phải có chủ, có tổ chức điều hành thì mới có một tập thể lao động
- Người sử dụng lao động là người bỏ tiền mua “sức lao động”, nên người sử dụng lao động có quyền định đoạt hàng hoá này.
- Do pháp luật quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người sử dụng lao động có quyền quản lý đối với người lao động.
Thứ ba, trong quá trình xác lập, duy trì, chấm dứt quan hệ pháp luật lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động có sự tham gia của đại diện lao động.
Do tính tất yếu khách quan của quá trình lao động (sự bất bình đẳng, yếu thế và sự phụ thuộc của người lao động vào người sử dụng lao động vì vậy người lao động phải tập hợp nhau lại mang sức ép lại cho người sử dụng lao động). Đồng thời, để đảm bảo sự hài hòa, ổn định của quan hệ lao động. Công đoàn sẽ là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, giúp cho quan hệ lao động ổn định và hài hoà hơn.
Sự tham gia của đại diện lao động vào quá trình xác lập, thực hiện, duy trì, chấm dứt quan hệ pháp luật lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động được tiến hành bằng nhiều biện pháp, trong đó có những biện pháp gián tiếp (tham gia xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách, pháp luật lao động,...) và trực tiếp (giúp đỡ cho người lao động trong quá trình ký kết hợp đồng lao động, đại diện và bảo vệ người lao động trong quá trình giải quyết
tranh chấp lao động).
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động luôn ở vị trí yếu thế hơn, có sự phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Do đó, muốn tạo ra quan hệ lao động được bình đẳng hơn, pháp luật lao động của nước ta đã có những quy định để bảo vệ người lao động, qua đó hạn chế sự lạm quyền của người sử dụng lao động.
Bảo vệ người lao động được hiểu là ngăn chặn mọi sự xâm hại có thể xảy ra đối với người lao động khi tham gia quan hệ lao động. Với vai trò đó “Bảo vệ người lao động” là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất của luật pháp về lao động. Nguyên tắc bảo vệ người lao động được thể hiện qua những nội dung sau:
- Bảo vệ việc làm cho người lao động
Trong các quy định của pháp luật lao động, nội dung của nguyên tắc bảo vệ người lao động không chỉ bao hàm trong việc bảo vệ sức lao động, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động, mà còn được pháp luật lao động biểu hiện trên nhiều phương diện: Việc làm, nghề nghiệp, thu nhập, tính mạng, danh dự, nhân phẩm...
Bảo vệ người lao động trước hết là giải quyết và bảo vệ việc làm cho họ, để cho họ duy trì cuộc sống. Chính vì vậy, pháp luật lao động có những quy định nền tảng về quyền có việc làm cho người lao động, theo đó tại điểm a, khoản 1, Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động có quyền: “Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;”.
Pháp luật cũng ghi nhận trách nhiệm của Nhà nước về việc làm, giải quyết việc làm cho người lao động, theo đó: “Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm”. (Theo khoản 2, Điều 9 Bộ luật Lao động năm 2019).
- Quyền được trả lương theo thỏa thuận
Tiền lương có ý nghĩa rất lớn đối với người lao động. Vì vậy, vấn đề bảo vệ tiền lương cho người lao động là nội dung quan trọng trong nguyên tắc bảo vệ người lao động của luật lao động và để thực hiện mục đích này, pháp luật lao động đã có những quy định bảo vệ tiền lương của người lao động.
Khoản 3, Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”
Để bảo vệ quyền lợi của người lao động khi không được trả lương đúng thời hạn, pháp luật lao động có quy định: “Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.” (Theo khoản 4, Điều 97, Bộ luật Lao động năm 2019).
Bên cạnh đó, để bảo vệ người lao động, pháp luật lao động cũng quy định mức bồi thường, trả lương, trả trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trong những trường hợp làm việc do rủi ro khách quan hoặc do lỗi của người sử dụng lao động như bị ngừng việc, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải điều trị hoặc bị chấm dứt hợp đồng hay sa thải trái pháp luật… người lao động đều được người sử dụng lao động trả lương.
- Quyền được thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn
Để bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động, pháp luật cho phép người lao động ở bất kỳ doanh nghiệp nào, dù là doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước đều có quyền tham gia Công đoàn, điều này được thể hiện ở điểm c, khoản 1, Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019
Theo đó, người lao động có quyền: “Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;”. Khi pháp luật đã ghi nhận quyền được thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn của người lao động, thì pháp luật có những quy định để bảo đảm quyền này của người lao động khi nghiêm cấm các hành vi của người sử dụng lao động cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập, hoạt động Công đoàn của người lao động.
- Bảo vệ các quyền nhân thân của người lao động
Với tinh thần bảo vệ người lao động một cách toàn diện, bảo vệ tất cả các quyền con người trong lĩnh vực lao động thì các quyền nhân thân gắn với lĩnh vực lao động là đối tượng quan trọng cần được pháp luật lao động coi trọng bảo vệ.
Vấn đề bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người lao động trong quá trình lao động được đặc biệt chú trọng. Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể trách nhiệm cho từng cấp, ngành, nhằm mục đích bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động. Các đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện đầy đủ chế độ khám sức khỏe, trợ cấp độc hại cho người lao động. Việc sử dụng lao động phải bảo đảm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, không vượt quá mức luật quy định. Người sử dụng lao động phải rút ngắn thời gian làm việc cho các đối tượng: Lao động tàn tật, lao động vị thành niên, lao động nữ mang thai, lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại để bảo đảm sức khỏe cho họ.
Trong mối quan hệ với người sử dụng lao động, người lao động được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín và nghiêm cấm người sử dụng lao động xúc phạm bằng bất cứ hình thức nào. Việc phân biệt đối xử, trả thù, trù dập người lao động vì bất cứ lý do nào đều vi phạm pháp luật. Ngay cả khi người lao động vi phạm kỷ luật thì người sử dụng lao động cũng không được xúc phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của người lao động.
Trên đây là nội dung bài viết quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động; V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương