Công khai thông tin cá nhân người khác lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý
Quyền nhân thân đặc biệt là quyền về hình ảnh cá nhân, đời tư cá nhân là quyền quan trọng của mỗi con người được pháp luật bảo vệ. Cụ thể tại khoản 1, điều 21 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác để đăng tải lên mạng xã hội mà không có sự đồng ý của người có hình ảnh diễn ra rất phổ biến. Hành vi nói trên là hành vi xâm phạm đến quyền cá nhân đối với hình ảnh và được pháp luật bảo vệ. Cụ thể tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
“Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Theo đó, khi sử dụng hình ảnh của người khác thì cần phải được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp sau:
- Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
- Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Do đó, việc sử dụng hình ảnh của người khác đăng lên mạng mà không có sự đồng ý hoặc không vì các lý do nêu trên thì hành vi đó là vi phạm pháp luật. Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, người có hình ảnh bị xâm phạm có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người xâm phạm hình ảnh cá nhân của mình phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt
Đối với các hành vi gây hậu quả không nghiêm trọng: Bị xử phạt hành chính
Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định rõ: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Đối với các hành vi gây hậu quả nghiêm trọng: Bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì nếu hành vi công khai thông tin cá nhân của người khác với mục đích làm nhục, sẽ bị xử lý như sau: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”
Tại điểm b Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, quy định: Người nào thực hiện hành vi “Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Như vậy, người có hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân thì tùy từng trường hợp cụ thể, hành vi đó có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên đây là nội dung bài viết quy định của pháp luật về Công khai thông tin cá nhân người khác lên mạng xã hội khi chưa có sự đồng ý, V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Địa chỉ chi nhánh: [24/10/2023 15:49:44]
V&HM tổng hợp Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996 Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.