Giải quyết tranh chấp lối đi chung
1. Quy định về quyền lối đi chung
Tranh chấp lối đi chung là vấn đề đang xảy ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Tuy nhiên, rất dễ phát sinh tranh chấp lối đi chung trong trường hợp này.
Theo Điều 254 BLDS 2015 có quy định về Quyền về lối đi qua như sau:
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.
3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.”
Theo đó, quyền về lối đi qua bất động sản liền kề chỉ được thực hiện khi bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác và không có lối nào để ra đường công cộng. Do vậy, nếu trong trường hợp không có một lối đi nào khác để ra đường công cộng thì sẽ được hưởng quyền này. Khi mở lối đi thì vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Trong trường hợp có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
2. Thủ tục, trình tự giải quyết tranh chấp lối đi chung
Bước 1: Hòa giải cấp cơ sở
Nhà nước khuyến khích các bên giải quyết tranh chấp lối đi chung theo hướng tự hòa giải hoặc thông qua hòa giải ở cơ sở.
Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn. Kết quả hòa giải khi giải quyết tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản.
Bước 2: Khởi kiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án
Cá nhân, tổ chức có tranh chấp lối đi chung mà hòa giải tại cấp xã không thành thì có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền. Trình tự giải quyết tranh chấp lối đi chung tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Trên đây là nội dung bài viết quy định pháp luật về Giải quyết tranh chấp lối đi chung, V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương