HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ – HIỂU ĐÚNG ĐỂ TRÁNH RỦI RO
Chuyển đổi số đang định hình lại cách thức vận hành của toàn bộ nền kinh tế. Trong làn sóng đó, hợp đồng điện tử không chỉ là một lựa chọn tiện lợi mà dần trở thành chuẩn mực mới trong giao dịch thương mại hiện nay. Thế nhưng, đi cùng với sự tiện lợi này là không ít rủi ro tiềm ẩn. Rất nhiều doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử nhưng chưa hiểu rõ cơ sở pháp lý, điều kiện hiệu lực hay cách bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.
Theo quy định tại khoản 16, Điều 3 Luật Giao dịch điện tử năm 2023, hợp đồng điện tử được hiểu: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Trong đó, thông điệp dữ liệu (khoản 4, Điều 3 Luật này) là thông tin được tạo ra, được gửi, được nhận, được lưu trữ bằng phương tiện điện tử (phương tiện điện tử được quy định tại khoản 2, Điều 3 Luật này là phần cứng, phần mềm, hệ thống thông tin hoặc phương tiện khác hoạt động dựa trên công nghệ thông tin, công nghệ điện, điện tử, kỹ thuật số, từ tính, truyền dẫn không dây, quang học, điện từ hoặc công nghệ khác tương tự).
Như vậy, hợp đồng điện tử là hợp đồng được tạo lập và giao dịch thông qua các phương tiện điện tử như: email, phần mềm hoặc các nền tảng trực tuyến. Khác với hợp đồng giấy truyền thống, hợp đồng điện tử giúp rút ngắn thời gian giao dịch, dễ dàng tra cứu, đồng thời nâng cao tính minh bạch và bảo mật thông tin hơn. Tuy nhiên, một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà doanh nghiệp đặt ra khi bắt đầu áp dụng hợp đồng điện tử là "Liệu loại hợp đồng này có giá trị pháp lý không?" câu trả lời là có.
Theo quy định tại Điều 34 Luật Giao dịch điện tử 2023: “Hợp đồng điện tử được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với người hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện hay vào hợp đồng”.
Tại Điều 8 Luật Giao dịch điện tử 2023 cũng có quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu như sau: “Thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”.
Như vậy, hợp đồng điện tử được công nhận giá trị pháp lý giống như hợp đồng văn bản thông thường dù không có sự can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể hay vào hợp đồng. Hợp đồng điện tử phải thỏa mãn các điều kiện pháp luật, bao gồm:
- Các bên ký kết có đầy đủ năng lực pháp luật và hành vi dân sự;
- Nội dung hợp đồng không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội;
- Hình thức thể hiện qua phương tiện điện tử đảm bảo tính toàn vẹn thông tin;
- Có thể xác minh danh tính người ký thông qua chữ ký số, mã OTP, tài khoản định danh hoặc các phương thức xác thực hợp pháp khác.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp đã gặp rắc rối khi sử dụng hợp đồng điện tử theo kiểu “làm cho có”, thiếu quy trình xác thực người ký, không lưu trữ bản sao hợp lệ hoặc soạn thảo hợp đồng thiếu điều khoản ràng buộc rõ ràng, …
Tất cả những điều này xuất phát từ một quan niệm sai lầm đó là coi hợp đồng điện tử chỉ là một hình thức giao dịch “online cho nhanh” trong khi, đây là một công cụ pháp lý nghiêm túc, có khung pháp lý đầy đủ và được pháp luật bảo vệ. Nếu được sử dụng đúng cách, hợp đồng điện tử không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn giảm thiểu rủi ro pháp lý và tăng cường khả năng kiểm soát trong giao dịch. Do đó, doanh nghiệp không thể xem nhẹ giá trị của hợp đồng điện tử. Trong một thời đại mà mỗi giây đều có thể mang đến cơ hội hoặc rủi ro, hợp đồng điện tử nếu được vận dụng đúng sẽ trở thành vũ khí pháp lý quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bắt kịp những biến động ngày càng khó lường của thị trường hiện nay.
V&HM tổng hợp