Khái niệm, phân loại và nội dung cơ bản cần có của hợp đồng tín dụng theo quy định pháp luật
Trong giai đoạn hiện nay, để mở rộng phát triển việc làm ăn kinh doanh, người ta thường tiến hành vay tiền từ các tổ chức tín dụng thông qua hợp đồng tín dụng. Nếu bạn còn nhiều thứ chưa rõ về loại hợp đồng này, hãy cùng Công ty Luật TNHH Một thành viên Vân Hoàng Minh (V&HM Law Firm) chúng tôi tìm hiểu về nó thông qua bài viết dưới đây.
1. Khái niệm về hợp đồng tín dụng
Theo quy định tại điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015 (Sau đây gọi là BLDS 2015): “Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định” thì hợp đồng tín dụng là một dạng cụ thể của hợp đồng vay tài sản. Tuy nhiên, chỉ gọi là hợp đồng tín dụng trong trường hợp một bên chủ thể tham gia vào HĐTD là các tổ chức tín dụng. Hợp đồng tín dụng chính là hợp đồng cho vay, theo đó tổ chức tín dụng là bên cho vay giao cho bên vay một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một khoản thời gian hạn định theo thoả thuận và tuân thủ nguyên tắc “Có hoàn trả cả gốc và lãi”.
Theo điều 385 BLDS 2015 quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuẩn giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” thì hợp đồng tín dụng là một dạng cụ thể của hợp đồng dân sự vì quan hệ tín dụng về bản chất cũng là một loại quan hệ dân sự. Do đó có thể hiểu rằng: “ Hợp đồng tín dụng là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa một bên là tổ chức tín dụng (bên cho vay) với một bên là tổ chức, cá nhân (bên đi vay) nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình chuyển giao, sử dụng tiền vay và thanh toán nợ gốc và lãi vay.”
Tóm lại, hợp đồng tín dụng là văn bản thể hiện thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng trong việc xác lập một quan hệ cho vay, xác lập quyền và nghĩa vụ pháp lý cụ thể của các bên trong đó việc vay vốn và trả nợ.
2. Phân loại hợp đồng tín dụng
Tùy vào từng tính chất mà hợp đồng tín dụng có cách phân loại riêng theo từng loại tín dụng:
a. Nếu căn cứ vào thời hạn cho vay. Hợp đồng tín dụng chia thành 3 loại:
- Hợp đồng tín dụng ngắn hạn: Là loại hợp đồng tín dụng có thời hạn dưới một năm và thường được ký kết đối với các trường hợp vay để bổ sung thiếu hụt tạm thời về vốn lưu động hoặc cho vay để sửa chữa tài sản cố định của doanh nghiệp. Đây là loại hợp đồng cho vay phổ biến ở các ngân hàng thương mại và trong quan hệ cấp vốn ngắn hạn và trong quan hệ cấp tín dụng của ngân hàng trung ương với các Tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước.
- Hợp đồng tín dụng trung hạn: Là loại hợp đồng tín dụng có thời hạn từ 01 – 03 năm. Loại hợp đồng này được áp dụng cho vay để mua sắm tài sản cố định, cải tiến, đổi mới kỹ thuật công nghệ, xây dựng và mở rộng các công trình quy mô nhỏ, thời gian thu hồi vốn nhanh.
- Hợp đồng tín dụng dài hạn: Là hợp đồng tín dụng có thời hạn trên 03 năm, loại hợp đồng này chủ yếu được ký kết để đầu tư vào xây dựng những xí nghiệp mới, mở rộng và cải tiến cơ sở sản xuất mới với quy mô lớn hoặc các công trình cơ sở hạ tầng như: sân bay, đường sá, bến cảng…
b. Nếu căn cứ vào đối tượng tín dụng cho vay. Hợp đồng tín dụng chia làm 2 loại:
- Hợp đồng tín dụng vốn cố định: Là loại hợp đồng được ký kết để hình thành vốn cố định cho các tổ chức kinh tế như mua sắm máy móc, thiết bị xây dựng mới, mở rộng sản xuất…
- Hợp đồng tín dụng vốn lưu động: Là loại hợp đồng được ký kết để hình thành vốn lưu động cho các tổ chức kinh tế như cho vay dự trữ hàng hóa, cho vay chi phí sản xuất hoặt để thanh toán các khoản nợ.
c. Nếu căn cứ vào mức độ tín nhiệm các tổ chức tín dụng. Hợp đồng tín dụng
chia thành 2 loại:
- Hợp đồng tín dụng không cần đảm bảo: Biểu hiện thông qua hình thức đảm bảo bằng tín chấp, được các tổ chức tín dụng áp dụng đối với những khách hàng đáng tin cậy.
- Hợp đồng tín dụng có đảm bảo: Áp dụng với những khách hàng có năng lực tài chính thấp, hiệu quả kinh doanh không cao hoặc ít có quan hệ tín dụng với ngân hàng, nghĩa là rủi ro cao. Tổ chức tín dụng yêu cầu cần có tài sản tương đương để thế chấp như động sản, bất động sản, những giấy tờ có giá trị hoặc đòi hỏi sự bảo lãnh từ một chủ thể hợp pháp khác.
3. Nội dung cơ bản cần có của hợp đồng tín dụng:
- Về thời hạn vay: Các tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho tổ chức tín dụng để thoả thuận về thời hạn cho vay. Đối với các pháp nhân Việt Nam và nước ngoài, thời hạn cho vay không quá thời hạn hoạt động còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam; đối với cá nhân nước ngoài, thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn được phép sinh sống, hoạt động tại Việt Nam.
- Về lãi suất cho vay: Mức lãi suất cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thoả thuận phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là lãi suất vay trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm cả các hợp đồng tín dụng do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng. Mới đây nhất, lãi suất vay đã được thay đổi lãi suất vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay theo khoản 1 điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015.
Mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do Tổ chức tín dụng ấn định và thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng.
- Về mức cho vay: Tổ chức tín dụng căn cứ vào nhu cầu vay vốn và khả năng hoàn trả nợ của khách hàng, khả năng nguồn vốn của mình để quyết định mức cho vay. Tổng dư nợ cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng, trừ trường hợp đối với những khoản cho vay từ các nguồn vốn uỷ thác của Chính phủ, của các tổ chức và cá nhân. Trường hợp nhu cầu vốn của một khách hàng vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng hoặc khách hàng có nhu cầu huy động vốn từ nhiều nguồn thì các tổ chức tín dụng cho vay hợp vốn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, khi cho vay tổ chức tín dụng cần căn cứ vào Điều 128 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về hạn chế cấp tín dụng, tùy thuộc vào đối tượng được cấp tín dụng mà tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với các đối tượng là khác nhau: Không quá không quá 15%, 25%, 50% vốn tự có của mình.
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản cần biết về hợp đồng tín dụng. Hy vọng những thông tin trên giúp ích được cho bạn.
V&HM tổng hợp
Nếu bạn cần tư vấn, cần luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và hỗ trợ thực hiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật, bạn có thể liên lạc với V&HM LAW FIRM qua số điện thoại: 098.449.9996 hoặc 098.515.8595 (Luật sư Dương Hoài Vân) hoặc đến trực tiếp Văn phòng Công ty Luật TNHH Một thành viên Vân Hoàng Minh tại: 422 Võ văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh hoặc văn phòng giao dịch của Công ty Luật TNHH Một thành viên Vân Hoàng Minh tại: 158/1A Nguyễn Sơn, P.Phú Thọ Hòa, Quận Tân Phú (Tầng 2).
Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
Trân trọng./