Hotline

0985 158 595

Email Liên hệ

vanhoangminhlaw@gmail.com

Ăn chặn tiền hỗ trợ người dân trong đại dịch covid-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

Ăn chặn tiền hỗ trợ người dân trong đại dịch covid-19 sẽ bị xử lý như thế nào?

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vì mất việc làm và không có thu nhập. Do đó, nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch. Cụ thể, mỗi người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch có thể nhận được từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn có nhiều người dân phản ánh rằng không nhận được gói hỗ trợ trên. Vì vậy, các cơ quan thực hiện việc chi phối các khoản trợ cấp trên buộc phải thắt chặt quản lý và tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc một số người dân không nhận được khoản trợ cấp mà nhà nước chi trả. Sau khi điều tra, xác minh phát hiện đối tượng Phan Thanh Minh là Phó Trưởng khu phố 2, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Theo điều tra ban đầu, trong thời gian phường thực hiện gói hỗ trợ của UBND TP Hồ Chí Minh đến với các hộ nghèo, hộ gặp khó khăn trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Minh đã lợi dụng quyền hạn của mình, dùng các thủ thuật để “ăn chặn” tiền hỗ trợ của người dân. Như vậy, với hành vi “ăn chặn” tiền hỗ trợ người dân sẽ phải chịu chế tài xử lý như thế nào là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Theo quy định, tại Điều 353 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội tham ô tài sản được quy định như sau:

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;

e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đến dưới 3.000.000.000 đồng;

g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Theo đó, các yếu tố cấu thành tội tham ô tài sản như sau:

– Chủ thể: Chủ thể của tội tham ô chiếm đoạt tài sản là người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời phải là người có trách nhiệm quản lý đối với tài sản chiếm đoạt. Người có trách nhiệm quản lý tài sản, tức là có trách nhiệm đối với tài sản được Nhà nước giao quản lý. Trong trường hợp này, phó trưởng khu phố là người có quyền hạn và chức vụ đồng thời cũng là người có trách nhiệm chi phối tiền trợ cấp cho người dân, đáp ứng yếu tố chủ thể.

– Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế của Nhà nước và xâm phạm quyền sở hữu tài sản của cơ quan tổ chức nêu trên. Hành vi ăn chặn tiền hỗ trợ là hành vi trực tiếp xâm phạm đến chính sách hỗ trợ người dân của nhà nước.

– Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

– Mặt khách quan: Hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hành vi phạm tội đầu tiên phải là hành vi chiếm đoạt. Người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao, chiếm đoạt tài sản mà mình đang quản lý. Thủ đoạn lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản này có thể khác nhau nhưng thực chất đều là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như điều kiện, phương tiện để có thể thực hiện hành vi tham ô tài sản, biến tài sản được giao thành tài sản của mình. Phó trưởng khu phố trên, đã có thủ đoạn lợi dụng việc mình được giao trách nhiệm phân phối tiền hỗ trợ đã ép người dân ký tên vào giấy nhận tiền và sau đó chỉ nhận được gạo. Từ đó trục lợi cá nhân, chiếm đoạt phần tiền hỗ trợ.

Như vậy, với hành vi trên người ăn chặn tiền hỗ trợ đại dịch COVID-19 có thễ lĩnh mức án lên tới tử hình tùy thuộc vào số tiền người đó đã tham ô.

Trên đây là bài viết về “Ăn chặn tiền hỗ trợ người dân trong đại dịch COVID-19”. V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.

V&HM tổng hợp

Bài viết liên quan

“Sự kiện bất ngờ” theo quy định của Bộ luật Hình sự

“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.“

Phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật hiện hành

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước

Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về tính mạng sức khỏe. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ

Tội vô ý làm chết người theo quy định pháp luật

Vô ý làm chết người là hành vi của một người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý, có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người

Cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.



Zalo
Hotline