Phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật hiện hành
Hành vi nào thì được xem là “phòng vệ chính đáng” theo quy định của pháp luật hiện hành?
Theo Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Các điều kiện để được xem là “phòng vệ chính đáng”
Khi xem xét một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần có phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:
– Thứ nhất, về phía nạn nhân: là người đang có hành vi xâm phạm đến các quyền hoặc lợi ích chính đáng của người phòng vệ, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức. Hành vi xâm phạm của nạn nhân phải là hành vi có mức độ, tính chất nguy hiểm đáng kể. Mức độ đáng kể ở đây tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm).
– Thứ hai, về phía người phòng vệ: Nếu hành vi xâm phạm của nạn nhân gây ra có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, thiệt hại về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.
– Thứ ba, hành vi chống trả là cần thiết. Cần thiết là sự thể hiện trong tình huống, hoàn cảnh đó người phòng vệ không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi nguy hiểm đang xâm phạm đến các lợi của xã hội. Khi xác định hành vi chống trả này là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra thì vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
V&HM tổng hợp