Hotline

0985 158 595

Email Liên hệ

vanhoangminhlaw@gmail.com

Bị “khủng bố” đòi nợ dù không liên quan phải làm sao?

Bị “khủng bố” đòi nợ dù không liên quan phải làm sao?

Hoạt động cho vay từ lâu đã nằm dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Tuy nhiên trong khoảng thời gian gần đây, việc cho vay đã có nhiều biến tướng. Cụ thể, khi đến hạn thanh toán mà người vay không trả được nợ thì những người quen của người vay sẽ bị gọi làm phiền để giục trả nợ thay mặc dù họ không phải là người vay và cũng không bảo lãnh việc thực hiện nghĩa vụ cho bên vay.

Như vậy, việc khủng bố, gọi điện tới những người quen biết với bên vay để đòi nợ có hợp pháp hay không? Nếu không hợp pháp thì hành vi được coi là quấy rối để đòi nợ sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 466 BLDS 2015 về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: “1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Điều này có nghĩa là bên vay tiền mới phải trả nợ khi đến hạn, người không vay tiền thì không có nghĩa vụ phải trả tiền. Trong trường hợp người không vay tiền nhưng bị đòi nợ, trước hết cần bình tĩnh xử lý tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng đòi nợ.

Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định về người gọi điện đe dọa đòi nợ dù không vay tiền có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng như sau:

“3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức”.

Đồng thời, tại điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP này thì khi sử dụng điện thoại để đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Mặc khác, người gọi điện đe dọa, uy hiếp tinh thần người không vay tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo Điều 170 BLHS 2015 như sau:

“Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Theo đó, người có hành vi chửi rủa, đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm mục đích đòi tiền của người không vay tiền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản. Tùy vào mức độ hành vi mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 01 - 05 năm và mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, nạn nhân có thể trình báo cơ quan công an nơi cư trú về việc bị làm phiền, khủng bố đòi nợ dù không vay tiền căn cứ tại Điều 145 BLTTHS 2015 để họ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo các quy định được tổng hợp trên./.

V&HM tổng hợp.

Bài viết liên quan

“Sự kiện bất ngờ” theo quy định của Bộ luật Hình sự

“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.“

Phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật hiện hành

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước

Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về tính mạng sức khỏe. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ

Tội vô ý làm chết người theo quy định pháp luật

Vô ý làm chết người là hành vi của một người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý, có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người

Cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.



Zalo
Hotline