Chống người thi hành công vụ sẽ bị xử lý như thế nào?
1. Thế nào là hành vi chống người thi hành công vụ?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP có quy định: “Hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.”
Trong đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Mặt khác, tại khoản 2 Điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 cũng có quy định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”.
So với khái niệm tại Nghị định số 208/2013/NĐ-CP thì khái niệm người thi hành công vụ tại Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 có sự mở rộng hơn. Ngoài nhóm người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm... thì còn bao gồm “người khác” là những người không phải là các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân nhưng được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
2. Cấu thành tội chống người thi hành công vụ
- Mặt khách quan: có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Cụ thể:
+ Dùng vũ lực chống người thi hành công vụ là dùng sức mạnh vật chất tấn công trực tiếp người đang thi hành công vụ (đấm, đâm, chém...)
+ Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi phải chấm dứt việc thực thi công vụ
+ Cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật là khống chế, ép buộc người thi hành công vụ phải làm những điều trái với chức năng, quyền hạn của họ hoặc không làm những việc thuộc chức năng quyền hạn của họ.
+ Các thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống, đe doạ sẽ cung cấp những tin tức bất lợi cho người thi hành công vụ…
Người phạm tội thực hiện các hành vi nêu trên nhằm mục đích ngăn cản người thi hành công vụ thực hiện công vụ của mình hoặc buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Việc người thi hành công vụ có nghe theo yêu cầu của người phạm tội hay không không có ý nghĩa định tội.
- Mặt khách thể: xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.
- Mặt chủ quan: là lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội biết mình đang cản trở người thi hành công vụ hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật.
- Mặt chủ thể: bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.
3. Mức xử phạt đối với tội chống người thi hành công vụ
Căn cứ Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 thì hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tối đa là 07 năm tù, cụ thể:
“1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;
đ) Tái phạm nguy hiểm.”
Ngoài ra, hành vi chống người thi hành công vụ còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi đó chưa đến mức xử lý trách nhiệm hình sự. Tại Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định mức xử phạt hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ như sau:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật;
b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
c) Tổ chức, xúi giục, giúp sức, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ;
b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ;
c) Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”
Trên đây là bài viết về tội chống người thi hành công vụ theo quy định pháp luật, V&HM Law Firm xin gửi tới bạn đọc. Mọi thắc mắc vui lòng liên hệ V&HM Law Firm để được giải đáp.