Đưa và nhận hối lộ bị xử lý như thế nào?
Nhận hối lộ được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hay tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Đưa hối lộ là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Có thể thấy, việc nhận và đưa hối lộ là một trong những hành vi gây nên nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm vào hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, làm suy thoái, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ cũng như hoạt động quản lý nhà nước. Theo quy định của pháp luật hành vi đưa và nhận hối lộ sẽ bị xử lý như thế nào?
1. Xử lý hình sự với hành vi đưa, nhận hối lộ
a. Đưa hối lộ
Căn cứ Điều 364 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định:
Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù với mức cao nhất là 20 năm
b. Nhận hối lộ
Căn cứ Điều 354 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định:
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì có thể bị phạt tù với mức thấp nhất là 02 năm, mức cao nhất là tử hình.
2. Xử lý hành chính với hành vi đưa, nhận hối lộ
Căn cứ Điều 9, Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định:
Người có hành vi đưa, nhận hối lộ có thể bị xử lý hành chính với các mức như sau:
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi đưa, môi giới, nhận hối lộ trong việc đăng ký, quản lý cư trú.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
3. Xử lý kỷ luật với hành vi đưa, nhận hối lộ
Căn cứ khoản 4 Điều 8; khoản 5 Điều 16; khoản 2 Điều 30; khoản 2 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP có quy định:
- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị áp dụng thức thức kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
- Đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức.
- Trường hợp công chức, viên chức bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: số 13, tổ 1, khu phố 2, đường Hùng Vương, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương