Góc nhìn của pháp luật về vấn đề Thế giới di động tự ý giảm giá thuê mặt bằng.
GÓC NHÌN PHÁP LUẬT VỤ VIỆC THẾ GIỚI DI ĐỘNG
TỰ Ý GIẢM GIÁ THUÊ MẶT BẰNG
Gần đây, việc Công ty cổ phần thế giới di động (sau đây gọi tắt là Thế giới di động) đã có văn bản gửi các đối tác cho thuê mặt bằng đề nghị được hỗ trợ không tính tiền thuê và không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn nhận được nhiều sự chú ý của dư luận. Bài viết sẽ phân tích những góc độ pháp luật về vấn đề trên như sau:
Hợp đồng thuê mặt bằng là một dạng của hợp đồng thuê tài sản được quy định tại Điều 472 BLDS 2015 “Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”.
Về nguyên tắc khi thực hiện hợp đồng thuê tài sản thì các bên phải tuân thủ điều khoản trong hợp đồng như giá thuê, thời hạn thuê, quyền và nghĩa vụ các bên…và các điều khoản này phải phù hợp với quy định tại Tiểu mục 1, Mục 5 BLDS 2015. Khi có bất kỳ sự thay đổi nào trong hợp đồng cũng phải thông báo cho bên còn lại và cần có sự đồng ý thỏa thuận của hai bên thì mới có hiệu lực. Một bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong hợp đồng thì bị xem là vi phạm hợp đồng.
Việc Thế giới Di Động đã nhiều lần yêu cầu bên cho thuê mặt bằng giảm giá thuê tuy nhiên không được bên thuê chấp thuận, sau đó tự ý phát hành công văn tự giảm giá tiền thuê và thanh toán không đúng với số tiền đã thõa thuận ban đầu trong hợp đồng thuê mặt bằng là không đúng quy định pháp luật và vi phạm thỏa thuận của các bên trong hợp đồng.
Trong trường hợp này, Thế giới di động có thể áp dụng Điều 420 BLDS 2015 về hoàn cảnh thay đổi cơ bản để đề xuất, thỏa thuận lại nội dung hợp đồng về giá thuê với bên cho thuê thay vì đơn phương ra văn bản và bắt buộc bên còn lại phải làm theo. Để chứng minh đại dịch Covid -19 thuộc hoàn cảnh thay đổi cơ bản thì phải chứng minh được các điều kiện sau:
- Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
- Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
- Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
- Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
- Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
Nếu không đàm phán được thì có quyền khởi kiện theo khoản 3 Điều 420 BLDS để yêu cầu sửa hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng.
Ngoài ra, bên cho thuê mặt bằng nếu muốn chấm dứt hợp đồng phải chứng minh bên thuê mặt bằng đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng theo khoản 1 Điều 428 BLDS 2015 “Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”. Khi đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, bên cho thuê mặt bằng phải thông báo cho bên thuê theo khoản 2 Điều 428 BLDS “Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”.
Trên đây là bài viết về “Vụ việc thế giới di động tự ý giảm giá thuê mặt bằng”. V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: Số 13 đường Hùng Vương, tổ 1, khu phố 2, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương