Quy định pháp luật về khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện
1. Khái niệm khám xét trong tố tụng hình sự?
Khám xét là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án cũng như xác chết hay người đang bị truy nã.
2. Căn cứ pháp lý của khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện
Căn cứ Điều 195 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện như sau:
“1. Khi khám xét chỗ ở thì phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người chứng kiến; trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
2. Khi khám xét nơi làm việc của một người thì phải có mặt người đó, trừ trường hợp không thể trì hoãn nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Việc khám xét nơi làm việc phải có đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng kiến. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
3. Khi khám xét địa điểm phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
4. Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến.
Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.
5. Khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.”
3. Quy định về khám xét chỗ ở.
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định và pháp luật bảo vệ. Theo đó, chỗ ở của công dân là bất khả xâm phạm, công dân có quyền được cơ quan nhà nước và mọi người tôn trọng chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
Do đó tại khoản 1, Điều 195, Bộ luật tố tụng năm 2015 quy định khi khám xét chỗ ở phải có mặt người đó hoặc người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và sự tham gian của người chứng kiến. Sự tham gia của những người này đảm bảo hoạt động khám xét chỗ ở diễn ra công khai, khách quan.
Trong trường hợp người đó, người từ đủ 18 tuổi trở lên cùng chỗ ở cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và hai người chứng kiến.
Việc khám xét chỗ ở có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu phố nơi khám xét. Do đó, luật quy định không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm. Trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng khám xét vẫn có thể bắt đầu vào ban đêm, nhưng phải ghi rõ lí do vào biên bản khám xét.
4. Quy định về khám xét nơi làm việc
Nơi làm việc của một người cũng có thể là đối tượng của hoạt động khám xét. Khi khám xét nơi làm việc của một người, điều luật quy định sự có mặt của người đó là bắt buộc, trừ trường hợp khẩn cấp. Lí do khám xét nơi làm việc trong trường hợp khẩn cấp phải được ghi rõ trong biên bản khám xét.
Ngoài ra, phải có sự tham gia của đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc. Trong trường hợp không có đại diện cơ quan, tổ chức nơi làm việc của người đó thì việc khám xét vẫn được tiến hành. Việc khám xét có sự tham gia của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và 02 người chứng kiến.
5. Quy định về khám xét địa điểm
Việc khám xét cũng có thể tiến hành đối với địa điểm nhất định khi có căn cứ cho rằng ở đó có các tài liệu, đồ vật có ý nghĩa đối với vụ án, có người bị truy nã đang lẩn trốn hoặc có người bị bắt cóc. Việc khám xét địa điểm cũng phải được tiến hành có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét và người chứng kiến.
6. Quy định về khám xét phương tiện
Việc khám xét phương tiện phải có mặt chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện và người chứng kiến. Trường hợp chủ sở hữu hoặc người quản lý phương tiện vắng mặt, bỏ trốn hoặc vì lý do khác họ không có mặt mà việc khám xét không thể trì hoãn thì việc khám xét vẫn được tiến hành nhưng phải có hai người chứng kiến. Khi khám xét phương tiện có thể mời người có chuyên môn liên quan đến phương tiện tham gia.
Ngoài ra, Bộ luật tố tụng năm 2015 còn quy định khi tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xét xong.
Trên đây là nội dung bài viết quy định của pháp luật về khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện, V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
V&HM tổng hợp