QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH THU HỒI ĐẤT
Thu hồi đất là một trong những biện pháp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội hoặc khi người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật đất đai. Tuy nhiên, trong thực tiễn không ít trường hợp người dân không đồng tình với quyết định thu hồi đất của Cơ quan nhà nước. Khi đó, người dân có quyền khiếu nại quyết định thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 237 Luật Đất đai 2024, cụ thể: "Người sử dụng đất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.”.
Đồng thời, tại Điều 40 Nghị định 102/2024/NĐ-CP cũng quy định về khiếu nại quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế như sau:
“1. Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính gây ra (nếu có).
2. Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn tiến hành kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện kiểm đếm bắt buộc, thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.”
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 237 Luật Đất đai 2024 và Điều 40 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, người có đất bị thu hồi hoàn toàn có quyền khiếu nại nếu cho rằng quyết định thu hồi đất hoặc các hành vi liên quan không đúng pháp luật. Quy định này vừa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa là công cụ để người dân bảo vệ quyền sử dụng đất của mình một cách chính đáng – một quyền tài sản được Hiến pháp công nhận.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý là trong quá trình khiếu nại, pháp luật vẫn cho phép tiếp tục thực hiện các quyết định hành chính như kiểm đếm bắt buộc hay cưỡng chế thu hồi đất. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn đối với cơ quan có thẩm quyền trong việc thẩm tra, xác minh và giải quyết khiếu nại một cách khách quan, đúng pháp luật nhằm tránh gây thiệt hại không đáng có cho người dân và tránh phát sinh khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Bên cạnh đó, người sử dụng đất cần chủ động thu thập tài liệu chứng cứ, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ và thực hiện quyền khiếu nại đúng trình tự. Trong trường hợp cần thiết, việc tham vấn ý kiến luật sư hoặc các tổ chức hỗ trợ pháp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi.
Tóm lại, quyền khiếu nại quyết định thu hồi đất là một quyền quan trọng, thể hiện tính dân chủ và pháp quyền trong quản lý đất đai. Việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và hiệu quả các quy định này không chỉ bảo vệ quyền lợi của người dân mà còn góp phần xây dựng một nền hành chính minh bạch, công bằng và đáng tin cậy.
V&HM tổng hợp