RỦI RO PHÁP LÝ KHI ĐỨNG TÊN HỘ ĐỂ VAY VỐN THẾ CHẤP NGÂN HÀNG
Tại Việt Nam việc nhờ người khác đứng tên vay vốn hoặc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện thủ tục thế chấp tại ngân hàng không còn xa lạ. Nhiều người vì tin tưởng bạn bè, người thân hoặc chỉ đơn giản là muốn giúp đỡ mà sẵn sàng ký tên vào các giấy tờ quan trọng mà vô tình dính líu vào các hệ lụy pháp lý nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của bản thân và cả người nhờ vả.
Thực chất, có nhiều lý do dẫn đến việc nhờ người khác đứng tên như: người vay không đủ điều kiện tín dụng, đang bị nợ xấu, không có tài sản đứng tên hoặc muốn che giấu danh tính thật trong giao dịch với ngân hàng. Trong các trường hợp này, người được nhờ thường chỉ “đứng tên giúp” trên giấy tờ, không quản lý tài sản, không sử dụng tiền vay và cũng không trực tiếp nhận lợi ích từ khoản vay đó.
Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng tín dụng lại là người có đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khoản vay hoặc tài sản bảo đảm. Và chính họ (chứ không phải người vay thực sự) mới là người phải chịu trách nhiệm với ngân hàng.
Ngân hàng với tư cách là bên cho vay sẽ căn cứ vào các giấy tờ pháp lý khi xác lập giao dịch và trong trường hợp bên vay không trả nợ đúng hạn, ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp, bất kể các thỏa thuận miệng hoặc nội bộ giữa các bên theo quy định tại khoản 1 Điều 299 Bộ luật Dân sự 2015: “Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:
“1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác”.
Và tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 21/2021/NĐ-CP về quyền truy đòi tài sản bảo đảm: “1. Quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm trong biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba không thay đổi hoặc không chấm dứt trong trường hợp tài sản bảo đảm bị chuyển giao cho người khác do mua bán, tặng cho, trao đổi, chuyển nhượng, chuyển giao khác về quyền sở hữu; chiếm hữu, sử dụng hoặc được lợi về tài sản bảo đảm không có căn cứ pháp luật và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Như vậy, người đứng tên hộ hoàn toàn có thể bị mất nhà, đất hoặc tài sản khác mang ra bảo đảm nếu người vay thực sự không trả nợ đúng hạn. Thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp đau lòng, có người đứng tên hộ bạn thân vay ngân hàng, có thế chấp nhà đến khi bạn không trả được nợ thì chính ngôi nhà ấy bị ngân hàng phát mãi. Có người vì cả tin mà ký tên trên hợp đồng vay với ngân hàng, đến khi “người vay thực sự” bỏ trốn thì họ trở thành con nợ bất đắc dĩ, bị kiện ra tòa, bị kê biên tài sản và thi hành án, thậm chí trắng tay.
Tệ hơn, ranh giới giữa “giúp đỡ người thân” và “đồng phạm hình sự” rất mong manh, đặc biệt khi hành vi diễn ra nhiều lần hoặc có tổ chức. Trong một số vụ án hình sự, người đứng tên hộ còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì bị xem là đồng phạm theo quy định tại Điều 17 Bộ luật hình sự 2015 nếu có hành vi giúp sức cho hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù hoặc chung thân.
Trước thực trạng đó, người dân cần thận trọng hơn trong các mối quan hệ dân sự. Tuyệt đối không nên đứng tên hộ trong bất kỳ giao dịch vay vốn, thế chấp nào nếu không nắm rõ quy định pháp luật và không có cam kết rõ ràng bằng văn bản. Trường hợp buộc phải đứng tên, các bên cần lập hợp đồng ủy quyền, thỏa thuận trách nhiệm cụ thể, có công chứng hoặc xác nhận pháp lý để phòng tránh rủi ro sau này.
Pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân nhưng chỉ bảo vệ những người biết sử dụng nó đúng cách. Vì vậy, đừng để sự cả tin, nể nang hay thiếu hiểu biết pháp luật khiến bạn rơi vào những rắc rối không đáng có. Đứng tên hộ có thể là hành vi mang tính giúp đỡ nhưng trong nhiều trường hợp nó lại là cái bẫy pháp lý khó thoát nếu không lường trước hậu quả.
V&HM tổng hợp