Hotline

0985 158 595

Email Liên hệ

vanhoangminhlaw@gmail.com

Sử dụng dịch vụ theo dõi để “bắt ghen” có vi phạm pháp luật không?

Sử dụng dịch vụ theo dõi để “bắt ghen” có vi phạm pháp luật không?

Hiện nay, ngoài các dịch vụ như thuê thám tử tư hay gắn chip định vị điện thoại, một dịch vụ khác cũng được một số người ưa chuộng là mở khóa thông tin cá nhân trong thiết bị điện tử của bạn đời để “bắt ghen” trở nên rất phổ biến.

Tuy nhiên, việc theo dõi bằng phương thức trên mà không có sự đồng ý của đối phương vốn là hành động xâm phạm đến quyền và lợi ích cá nhân được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 như sau:

“1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”.

Như vậy, hành vi thu thập thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, nếu những thông tin thu thập được tiếp tục được chuyển thành dạng dữ liệu điện tử thì sẽ xâm phạm đến việc bảo đảm an toàn, bí mật đối với dữ liệu cá nhân theo quy định tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP.

Mặc khác, tại Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng có quy định mức xử phạt hành chính cho hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm như sau:

“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này;

b) Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh đối với hành vi quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều này”.

Thêm vào đó, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng có nêu rõ về việc lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy cập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin của người khác có thể bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng tùy mức độ vi phạm.

Trong trường hợp, hành vi đủ yếu tố cấu thành tội “Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác” thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015 kèm khung xử phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Chính vì vậy, trên tinh thần thượng tôn pháp luật chúng ta cần văn minh hơn trong việc “truy đến cùng” câu chuyện ngoại tình. Thay vì theo dõi, trộm thông tin, tung lên mạng nhằm đòi lại công bằng cho bản thân có thể gửi đơn tố cáo đến UBND cấp xã, Phòng tư pháp huyện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an có thẩm quyền,... để xử lý hành chính theo quy định tại Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hôn nhân hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà vẫn còn tái phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật hình sự 2015.

V&HM tổng hợp

Bài viết liên quan

“Sự kiện bất ngờ” theo quy định của Bộ luật Hình sự

“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.“

Phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật hiện hành

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước

Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về tính mạng sức khỏe. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ

Tội vô ý làm chết người theo quy định pháp luật

Vô ý làm chết người là hành vi của một người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý, có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người

Cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.



Zalo
Hotline