Hotline

0985 158 595

Email Liên hệ

vanhoangminhlaw@gmail.com

Thừa kế theo di chúc

Thừa kế theo di chúc

THỪA KẾ THEO DI CHÚC

1. Thừa kế theo di chúc là gì?

- Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015). Di chúc là sự thể hiện ý nguyện cuối cùng của người lập di chúc, do vậy pháp luật thừa kế tôn trọng và bảo hộ ý nguyện cuối cùng đó của người lập di chúc trong việc phân chia di sản của người đó cho những người thừa kế được chỉ định hưởng di sản theo di chúc.

- Tuy nhiên ý nguyện của người lập di chúc không phải bao giờ và khi nào cũng được pháp luật bảo hộ một cách tuyệt đối mà quyền định đoạt của người lập di chúc còn bị hạn chế trong những trường hợp luật định. Ý nguyện của người lập di chúc được thể hiện thông qua quan hệ dân sự của cá nhân được pháp luật quy định.

2. Đặc điểm của di chúc :

(i) Di chúc là giao dịch dân sự đơn phương của cá nhân;

(ii) Di chúc có hiệu lực kể từ ngày người lập di chúc chết;

(iii) Di chúc có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ bất cứ lúc nào;

(iv) Di chúc thể hiện sự định đoạt tài sản bằng một hành vi pháp lý của người lập di chúc; (v) Di chúc phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định.

3. Quy định về người lập di chúc

Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 “Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”.

Người lập di chúc là người mà theo quy định của pháp luật có quyền lập di chúc để định đoạt khối tài sản của mình cho những người khác còn sống sau khi chết với ý chí hoàn toàn tự nguyện. Người lập di chúc ở đây chỉ có thể là cá nhân mà không thể là cơ quan, tổ chức. Tài sản của cơ quan, tổ chức là tài sản chung của một chủ thể pháp lý, cá nhân không có quyền định đoạt các tài sản đó.

Người lập di chúc là chủ thể đầu tiên trong quan hệ thừa kế theo di chúc, căn cứ vào năng lực chủ thể của mỗi cá nhân trong việc nhận thức và thể hiện ý chí cũng như khả năng tạo lập được tài sản thuộc sở hữu của mình mà pháp luật quy định hai chủ thể là người có quyền lập di chúc để dịch chuyển tài sản của mình cho người còn sống sau khi chết gồm:

Một là, người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này.

Tức là người lập di chúc này là người đã thành niên và tại thời điểm lập di chúc họ là người minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, cưỡng ép hay đe dọa. Theo quy định tài Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên” và người thành niên được coi là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp người đó bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Họ có khả năng nhận thức, thực hiện hành vi và hậu quả của hành vi, tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Hai là, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Quy định này căn cứ vào Điều 21 Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch trừ giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”; Khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định: “Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này.” trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì người sử dụng lao động “Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ” Những người ở độ tuổi này thường chưa nhận thức đầy đủ của việc thực hiện hành vi cũng như hậu quả của việc lập di chúc, vì vậy pháp luật quy định cần phải có sự kiểm soát của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

4. Quyền của người lập di chúc

Người lập di chúc có các quyền sau:

(i) Chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;

(ii) Phân định phần di sản cho tường người thừa kế;

(iii) Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;

(iv) Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;

(v) Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản (Điều 626 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Quyền định đoạt của người có tài sản lập di chúc chỉ có hiệu lực khi việc định đoạt bằng di chúc thỏa mãn các điều kiện về di chúc hợp pháp được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, quyền định đoạt của người lập di chúc còn được thể hiện thông qua việc truất quyền hưởng di sản của người thừa kế theo pháp luật như: cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột, ông, bà, cháu…mà không buộc phải nêu rõ lý do. Nếu người bị truất quyền thừa kế thì người thừa kế không còn quyền hưởng di sản theo di chúc và theo pháp luật.

Nhưng người thừa kế không được chỉ định trong di chúc chưa hẳn đã bị truất quyền hưởng di sản.

5. Hình thức của di chúc

- Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc bằng miệng (Điều 627 BLDS 2015). Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh mà người lập di chúc lựa chọn một trong các loại theo quy định của pháp luật để thể hiện ý chí định đoạt tài sản của mình trong đó.

a) Di chúc bằng văn bản gồm:

(i) Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

(ii) Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

(iii) Di chúc bằng văn bản có công chứng;

(iv) Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

- Trong những trường hợp thông thường, pháp luật chỉ thừa nhận hình thức di chúc bằng văn bản, thể hiện một cách rõ ràng ý chí của người để lại di sản, làm cơ sở để phân định di sản thừa kế.

b) Di chúc miệng

Di chúc miệng (còn được gọi là chúc ngôn) là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của người để lại di sản thừa kế lúc còn sống trong việc định đoạt khối di sản của mình cho người khác sau khi chết.

- Di chúc miệng chỉ được công nhận trong trường hợp:

(i) Tính mạng của một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng;

(ii) Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ (Điều 629 Bộ luật Dân sự 2015).

Di chúc miệng chỉ được công nhận với những điều kiện về hình thức và thủ tục rất nghiêm ngặt, cụ thể:

 (i) Là người thành niên, tại thời điểm lập di chúc hoàn toàn minh mẫn và sáng suốt, người từ 15 đến 18 tuổi không có quyền lập di chúc miệng;

 (ii) Người lập di chúc chỉ có thể lập di chúc trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản;

 (iii) Người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Những người làm chứng không thuộc phạm vi cấm của Điều 632 Bộ luật Dân sự (Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi).

Trong thời hạn năm ngày kể từ ngày di chúc miệng, thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc xác thực. Trường hợp này thì cơ quan công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn không thể chứng thực nội dung di chúc vì người có thẩm quyền công chứng, chứng thực không thể biết được ý chí của người lập di chúc. Mặt khác, cũng không thể xác nhận chữ ký của người làm chứng, vì họ ký ngay sau khi ghi lại nội dung di chúc miệng của người để lại di chúc. Do vậy, trường hợp này sẽ chứng thực ngày di chúc đó được yêu cầu công chứng, chứng thực;

 (iv) Sau ba tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Trên đây là nội dung bài viết về Thừa kế theo di chúc theo quy định của pháp luật, V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.

V&HM tổng hợp

Website: https://vanhoangminhlaw.vn

Email: vanhoangminhlaw@gmail.com

Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996

Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ chi nhánh: Số 13 đường Hùng Vương, tổ 1, khu phố 2, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

“Sự kiện bất ngờ” theo quy định của Bộ luật Hình sự

“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.“

Phòng vệ chính đáng theo quy định pháp luật hiện hành

Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước

Phòng vệ chính đáng

Phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả cần thiết khi bị người khác xâm phạm về tính mạng sức khỏe. Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ

Tội vô ý làm chết người theo quy định pháp luật

Vô ý làm chết người là hành vi của một người làm cho người khác bị chết với lỗi vô ý, có nghĩa là người thực hiện hành vi gây hậu quả chết người

Cưỡng đoạt tài sản theo quy định pháp luật

Cưỡng đoạt tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.



Zalo
Hotline