Vấn đề vô hiệu của Hợp đồng lao động
TƯ VẤN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU
Đặt vấn đề: Chào Luật sư, Tôi có một vấn đề thắc mắc cần luật sư tư vấn như sau:
Tháng 5/2021, tôi có ký hợp đồng lao động với một công ty. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng, tôi mới biết là người ký hợp đồng lao động với tôi không phải người đại diện theo pháp luật của công ty và cũng không có văn bản nào thể hiện là người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền cho người đó để ký hợp đồng lao động. Vậy cho tôi hỏi hợp đồng lao động mà tôi ký với công ty có hiệu lực pháp luật không? Tôi có nghe nói hợp đồng lao động ký không đúng thẩm quyền thì bị vô hiệu đúng không ạ? Và hợp đồng đó được xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn: Theo thông tin bạn cung cấp, do người ký hợp đồng lao động với bạn không phải người đại diện theo pháp luật cũng như không có văn bản ủy quyền nào của người đại diện theo pháp luật của công ty để ký hợp đồng lao động nên trong trường hợp này hợp đồng lao động mà bạn đã ký bị vô hiệu do người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền. Do đó, trong trường hợp này bạn phải ký lại hợp đồng lao động mới với người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của công ty. Để hiểu rõ hơn về quy định của pháp luật về hợp đồng lao động vô hiệu và thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu bạn có thể tìm hiểu cùng V&HM Law qua bài viết dưới đây:
- Thế nào là hợp đồng lao động vô hiệu
Hợp đồng lao động vô hiệu là hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
- Các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu
Theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động 2019, hợp đồng lao động có thể vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Cụ thể như sau:
* Hợp đồng vô hiệu toàn bộ khi:
- Toàn bộ nội dung hợp đồng trái pháp luật.
Toàn bộ nội dung hợp đồng lao động trái pháp luật được hiểu là toàn bộ các điều khoản trong hợp đồng lao động đều không đúng với quy định của pháp luật.
Trong thực tế, ít xảy ra trường hợp vô hiệu này. Lý do vì nhiều doanh nghiệp hiện nay đã có ban pháp chế, cán bộ pháp lý để hỗ trợ trong việc soạn thảo, xem xét hợp đồng trước khi tiến hành ký kết.
- Người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền.
Người giao kết không đúng thẩm quyền là người không có thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động nhưng lại tiến hành kí kết các hợp đồng lao động. Ví dụ người không được người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền nhưng lại tiến hành giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Ngoài ra, cũng không phải không có trường hợp hợp đồng được ký với người không phải là đại diện theo pháp luật (cha, mẹ hoặc người giám hộ khác) của lao động dưới 15 tuổi.
Tuy nhiên, trường hợp này có thể dễ dàng khắc phục nếu người có thẩm quyền công nhận kết quả ký kết của người không có thẩm quyền.
- Công việc trong hợp đồng bị pháp luật cấm.
Công việc mà hai bên đã giao kết trong hơp đồng là công việc bị pháp luật cấm được hiểu là những công việc pháp luật cấm thực hiện nhưng các bên vẫn thoả thuận trong hợp đồng đó là công việc mà người lao động phải thực hiện.
- Nội dung hợp đồng hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.
Công đoàn là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Khi người sử dụng lao động lợi dụng vị thế của mình để quy định nôi dung hợp đồng ngăn cản, cấm đoán người lao động thực hiện quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu.
* Hợp đồng vô hiệu từng phần khi:
Hợp đồng lao động vô hiệu từng phần cũng được hiểu là hợp đồng có một phần nội dung hợp đồng trái quy định của pháp luật nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng hoặc một phần nội dung của hợp đồng lao động quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định trong pháp luật lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của hợp đồng lao động hạn chế các quyền khác của người lao động thì phần đó sẽ bị vô hiệu.
- Xử lý hợp đồng lao động vô hiệu
Hợp đồng lao động vô hiệu chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động. Do vậy, để đảm bảo quyền lợi cho các bên, Nghị định 44/2013/NĐ-CP hướng dẫn xử lý hợp đồng vô hiệu như sau:
* Đối với hợp đồng vô hiệu toàn bộ:
- Toàn bộ nội dung hợp đồng trái pháp luật: Hợp đồng bị hủy bỏ.
- Người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền: Ký lại hợp đồng.
- Công việc trong hợp đồng bị pháp luật cấm: Ký kết hợp đồng mới.
Nếu không ký được hợp đồng mới thì người sử dụng lao động trả cho người lao động một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu.
- Nội dung hợp đồng hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động: Ký kết hợp đồng mới.
- Nội dung hợp đồng quy định quyền lợi của người lao động thấp hơn quy định của pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể: Ký kết hợp đồng mới.
* Đối với hợp đồng vô hiệu một phần:
Sửa đổi, bổ sung hợp đồng bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng mới.
Riêng hợp đồng vô hiệu một phần do điều khoản về tiền lương thấp hơn quy định chung thì hai bên thỏa thuận lại và sửa đổi, bổ sung hợp đồng. Đồng thời, người sử dụng lao động phải trả phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận với tiền lương trong hợp đồng vô hiệu theo thời gian thực tế làm việc của người lao động nhưng không quá 12 tháng.
Ngoài ra, dù hợp đồng vô hiệu theo trường hợp nào thì quyền và lợi ích của người lao động từ khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu đến khi ký kết hợp đồng mới sẽ được giải quyết theo nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) và quy định của pháp luật.
- Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu
Toà án nhân dân là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu khi có căn cứ theo quy định của pháp luật lao động.
Sau khi thụ lí đơn yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, toà án có trách nhiệm gửi thông báo thụ lí cho người có đơn yêu cầu, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động và viện kiểm sát cùng cấp.
Thời hạn chuẩn bị xét xử tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu là 10 ngày kể từ ngày toà án thụ lí đơn yêu cầu. Trong thời hạn này, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu thì toà án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn, văn bản yêu cầu.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, toà án phải mở phiên họp để xét yêu cầu tuyên bố họp đồng lao động vô hiệu. Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì thẩm phán ra quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Trong quyết định này, toà án phải giải quyết hậu quả pháp lí của việc tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu.
Trên đây là nội dung bài viết quy định pháp luật về hợp đồng lao động vô hiệu, V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
VĂN BẢN CHIA TÀI SẢN CHUNG CÓ HIỆU LỰC KHI NÀO?
Câu hỏi: Vợ chồng tôi kết hôn năm 2015, nay vợ chồng tôi có nhu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân có được không? Và thỏa thuận chia tài sản chung của chúng tôi có hiệu lực khi nào? Mong luật sư tư vấn, xin cảm ơn.
Trả lời:
Căn cứ Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
- Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.
Như vậy, theo quy định như trên mặc trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ chồng bạn có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
Bên cạnh đó, Điều 39 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:
“1. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
2. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định.
3. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
4. Quyền, nghĩa vụ về tài sản giữa vợ, chồng với người thứ ba phát sinh trước thời điểm việc chia tài sản chung có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Như vậy, trong trường hợp của bạn việc chia tài sản chung này là do thỏa thuận giữa bạn và chồng. Căn cứ vào quy định trên thì thời điểm có hiệu lực của văn bản thỏa thuận sẽ là thời điểm hai bạn thỏa thuận và ghi vào văn bản, trong trường hợp trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản.
Trên đây là tư vấn có tham khảo quy định của pháp luật, nếu có thắc mắc vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
Trả lại đơn khởi kiện là một chế định trong Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) được áp dụng trong một số trường hợp cụ thể. Các căn cứ trả lại đơn khởi kiện quy định cụ thể tại Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự:
1. Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện
Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
- Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
+ Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó;
+ Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
+ Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án, trừ trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí hoặc có trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng;
+ Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án;
+ Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này.
Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện;
+ Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
- Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.
- Đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
+ Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
+ Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
+ Đã có đủ điều kiện khởi kiện;
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
- Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành khoản 1 và khoản 3 Điều này.
2. Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện
Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
- Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung trong thời hạn do Thẩm phán ấn định nhưng không quá 01 tháng; trường hợp đặc biệt, Thẩm phán có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày. Văn bản thông báo có thể được giao trực tiếp, gửi trực tuyến hoặc gửi cho người khởi kiện qua dịch vụ bưu chính và phải ghi chú vào sổ nhận đơn để theo dõi. Thời hạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện.
- Trường hợp người khởi kiện đã sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán tiếp tục việc thụ lý vụ án; nếu họ không sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện.
3. Khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện
Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.
- Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.
- Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
+ Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện và thông báo cho đương sự, Viện kiểm sát cùng cấp;
+ Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:
+ Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện;
+ Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành và được gửi ngay cho người khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định trả lại đơn khởi kiện.
- Trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp quy định tại khoản 6 Điều này có vi phạm pháp luật thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.
Như vậy, trong trường hợp bị trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có thể khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo quyền khởi kiện của mình.
V&HM tổng hợp
Website: https://vanhoangminhlaw.vn
Email: vanhoangminhlaw@gmail.com
Hotline: 0985 158 595 hoặc 0984 499 996
Địa chỉ trụ sở: 422 (tầng 3) Võ Văn Kiệt, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Địa chỉ chi nhánh: Số 13 đường Hùng Vương, tổ 1, khu phố 2, thị trấn Phước Vĩnh, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương