Vụ án “vu khống” Phó giám đốc công an tỉnh bình dương có nhiều sai phạm
Ngày 26/4/2011, bà Nguyễn Thị Thủy có cho ông Trần Minh (anh rể ông Dũng – Phó giám đốc công an tỉnh Bình Dương) vay mượn với số tiền 13.500.000.000 đồng. Ông Minh vay tiền để đưa vào vốn lưu động của Công ty TNHH Hiệp Lợi và Công ty TNHH Trường Phát. Khi vay, ông Minh đã làm giấy cam kết trả nợ cho bà Thủy trong thời gian 3 tháng.
Tuy nhiên, khi đến thời hạn trả nợ thì ông Minh cố tình né tránh, tìm cách hứa hẹn rồi không chịu trả tiền cho bà Thủy. Thời gian trôi qua, cảm thấy khoản nợ khó đòi, bà Thủy phải gửi đơn khởi kiện ra tòa. Vụ án dân sự sau đó được Tòa án Nhân dân thị xã (nay là thành phố Thủ Dầu Một), tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết và quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trong đó xác nhận ông Trần Minh có trách nhiệm hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Thủy số tiền 13.500.000.000 đồng và chuyển hồ sơ sang chi cục THADS thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương để thi hành quyết định nêu trên. Ngày 14/08/2012, bà Thủy lập hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Hoàng Khanh tham gia thi hành án để nhận số tiền thi hành án mà ông Trần Minh trả cho bà Thủy. Sau khi nhận ủy quyền ông Khanh thực hiện các thủ tục để thi hành quyết định của tòa đã 6 năm trôi qua quyết định vẫn chưa được thi hành. Do đó, ông Khanh gửi một số đơn khiếu nại, cứu xét đến các cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí để tìm sự giúp đỡ. Trong nội dung đơn ông Khanh có đề cập đến ông Dũng và gia đình ông Dũng. Bởi mối quan hệ mật thiết giữa gia đình ông Dũng và việc thi hành án mà ông Khanh làm đại diện, cụ thể là ông Minh sở hữu 10% vỗn tương đương số tiền 3.287.330.000 đồng tại Công ty Công ty TNHH Trường Phát và 80% vốn tương đương 12.800.000.000 đồng tại Công ty TNHH Hiệp Lợi đây là hai công ty thuộc quyền sở hữu, điều hành bởi những người thân trong gia đình ông Dũng. Nhưng ông Minh đã có hành vi chuyển nhượng trên hình thức toàn bộ khối tài sản này cho các thành viên trong gia đình ông Dụng.Các bên đã thừa nhận việc chuyển nhượng này chỉ được thực hiện trên hình thức theo chỉ đạo của ông Phạm Văn Nghe (cha ông Dũng) chỉ đạo ông Minh (anh rể ông Dũng), các bên hoàn toàn không thực hiện chuyển nhượng trên thực tế. chuyển nhượng 10% vốn góp ở Cty TNHH Trường Phát cho Võ Thị Phương Thảo (cháu gọi ông Dũng là cậu) vào tháng 6/2011 (sau khi vay tiền của bà Thủy 2 tháng). Ông Minh chuyển nhượng 80% cổ phần Cty TNHH Hiệp Lợi cho Võ Văn Lâm (em rể ông Dũng) vào tháng 8/2011. Những hành vi trên làm chậm tiến độ thi hành án khiến ông Khanh không thể thu hồi được khoản nợ từ ông Trần Minh. Sau đó, căn cứ vào những đơn từ ông Khanh gửi đến các cơ quan nhà nước cơ quan điều tra công an tỉnh Bình Dương ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hoàng Khanh với tội danh “Vu khống”.
Trong tất cả biên bản lấy lời khai cũng như tại phiên tòa ông Khanh đều xác định ông có nêu tên ông Dũng trong đơn của mình nhưng không nhằm mục đích xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân hay gia đình ông Dũng mà chỉ mong cơ quan chức năng xem xét, cứu giúp gia đình.
Tại bản cáo trang của Viện kiểm sát cho rằng trong quá trình thực hiện ủy quyền về thi hành án, ông Khanh soạn nhiều đơn có nội dung bịa đặt, vu khống ông Dũng can thiệp vào công việc thi hành án và trù dập gia đình ông Khanh. Hành vi đó xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự và uy tín ông Dũng. Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Khanh 6 – 9 tháng tù và 15 triệu đồng. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, truy tố có nhiều bất cập xảy ra.
Trong quá trình xét xử tại Tòa các luật sư bào chữa cho ông Khanh đã nêu lên nhiều luận điểm để bào chữa cho ông Khanh:
Luật sư Nguyễn Văn Quynh – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, Luât sư Dương Hoài Vân – Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh khẳng định mục đích, động cơ của ông Khanh khi viết đơn kêu cứu, cứu xét gửi đến các cơ quan là nhằm mục đích muốn lấy lại tiền nợ, chứ không nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm ông Dũng. Trong cáo trạng và hồ sơ cho thấy không có thiệt hại nào xảy ra với ông Dũng từ hành vi của ông Khanh. Ông Dũng vẫn là phó giám đốc công an tỉnh, không bị mất lòng tin hoặc bị kỷ luật, xử lý gì. Nội dung đơn ông Khanh nêu là có thật trên thực tế chứ hoàn toàn không phải bịa đặt. Đồng thời, Luật sư Dương Hoài Vân đưa ra chứng cứ xác định việc điều tra không khách quan vì ông Dũng là bị hại, nhưng lại được cơ quan CSĐT tham mưu thông qua văn bản báo cáo 78/BC-PC44 ngày 8/5/2018 (bút lục số 984 là) của Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bình Dương cho Thủ trưởng cơ quan CSĐT với nội dung: “Thực hiện yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét đề nghị phê chuẩn khởi tố bị can… của VKS. Cơ quan CSĐT đã tổ chức ghi lời khai của ông Khanh để làm rõ nội dung trong đơn, xác định động cơ mục đích đưa tên ông Phạm Quốc Dũng vào trong các đơn gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan truyền thông; Đã tiến hành xác minh, thu thập tài liệu liên quan tại các nơi Khanh gửi đơn; Đã tham mưu Giám đốc và Đại tá Phạm Quốc Dũng – PGĐ CA tỉnh 2 văn bản xác định nội dung đơn của ông Khanh đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của cá nhân Đại tá Dũng; gây sự hiểu lầm, làm giảm lòng tin của các lãnh đạo và đồng nghiệp đối với cá nhân Đại tá Dũng, cũng như gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của Đại tá Dũng với chính quyền địa phương nơi cư trú, đề nghị cơ quan CSĐT nhanh chóng kiểm tra, xác minh và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử theo pháp luật (Đ/c Dũng giao lại văn bản PC44 tham mưu ngày 04//2018)”.
Các luật sư đồng nghiệp tham gia bào chữa cho ông Khanh cũng chỉ ra trong những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, tố tụng như:
Thứ nhất, về thẩm quyền điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra. Theo quy định tại điểm a, b khoản 5 Điều 163 BLTTHS 2015 về việc phân cấp thẩm quyền điều tra thì:
a) Cơ quan điều tra cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực;
b) Cơ quan điều tra cấp tỉnh điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phạm tội có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra;
Mà theo quy định Khoản 1 Điều 268 BLTTHS 2015 “1.Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng…”. Theo quy định trên thì tội vu khống thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và cơ quan có thẩm quyền điều tra sẽ là cơ quan cảnh sát điều tra cấp huyện. Tuy nhiên, trong vụ án này cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương đã trực tiếp điều tra vụ án mà không thuộc thẩm quyền của mình. Đây là sai phạm vô cùng nghiêm trọng của cơ quan điều tra.
Thứ hai, cùng một hành vi tuy nhiên ông Khanh lại bị khởi tố với hai tội danh khác nhau là “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân” quy định tại Điều 331 và tội “Vu khống” quy định tại Điều 156 BLHS 2015. Ban đầu, ông Khanh bị khởi tố với tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”, sau đó ngày 14/05/2018 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương ra công văn số 65/CV/VKSBD-P2 về việc yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương hủy quyết định khởi tố bị can đối với ông Khanh vì không có đủ căn cứ để xác định ông Khanh có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân”.
Tuy nhiên, sau khi ra quyết định thu hồi quyết định khởi tố bị can đối với tội danh trên thì ngày 15/05/2019, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương lại tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Khanh với một tội danh khác là “Vu khống” đối với cùng một hành vi. Như vậy, ta có thể xác định được sự mâu thuẫn giữa hai lần khởi tố, cùng một hành vi đã được xác định không có dấu hiệu phạm tội lại tiếp tục bị khởi tố với một tội danh hoàn toàn khác.
Thứ ba, về thời hạn điều tra của vụ án. Theo quy định tại Điều 172 BLTTHS năm 2015 “Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra” và việc gia hạn: “a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng; b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng; c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng; d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.”. Trong hồ sơ vụ án thể hiện, cơ quan cảnh sát điều tra đã gia hạn 1 lần là 2 tháng từ ngày 12/03/2018 đến ngày 12/05/2018, khi hết thời hạn điều tra mà cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bình Dương vẫn không kết thúc việc điều tra. Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại không hề ban hành bất kì quyết định đình chỉ hay quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án theo quy định tại Điều 229 và Điều 230 BLTTHS 2015. Như vậy, cơ quan cảnh sát điều tra đã vi phạm thủ tục tố tụng về thời hạn điều tra làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo.
Tất cả các luật sư bào chữa đều kết luận ông Nguyễn Hoàng Khanh hoàn toàn vô tội.
HĐXX quyết định nghị án kéo dài, thời gian tuyên án dự kiến chiều 30/9/2021.
Trên đây là bài viết về “Vụ án vu khống phó giám đốc công an tỉnh Bình Dương”. V&HM Law gửi đến bạn đọc, nếu có gì thắc mắc xin vui lòng liên hệ V&HM Law để được giải đáp.
V&HM tổng hợp